Động thái tăng giá ‘hút’ vàng, USD phải can thiệp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng nay (29/12), vàng miếng SJC và vàng nhẫn đứng ở mốc 84,7 triệu đồng/lượng. Trong 1 tuần qua, giá vàng tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng. Tỷ giá USD tăng nóng, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ can thiệp.

Tăng mạnh giá mua vào để "hút" vàng

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 82,7 - 84,7 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác như hệ thống vàng Mi Hồng, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Doji, Công ty vàng Phú Quý niêm yết giá bán ra vàng miếng SJC ở mức 84,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn được các doanh nghiệp kinh doanh vàng như Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Doji… niêm yết bằng giá vàng miếng SJC 84,7 triệu đồng/lượng.

Động thái tăng giá ‘hút’ vàng, USD phải can thiệp ảnh 1

Các doanh nghiệp tăng mạnh giá mua vào vàng để "hút" vàng trong dân.

Như vậy, trong 1 tuần qua giá vàng đã tăng khoảng 500.000 đồng/lượng chiều bán ra - 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào.

Thị trường vàng trong nước tăng mạnh giá chiều mua vào nhằm thu mua nhiều vàng từ trong dân để phục vụ lại nhu cầu gia tăng dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Trên thị trường thế giới sáng nay, giá vàng đứng im ở mức 2.622 USD/ounce. Giá vàng thế giới tương đương 80,67 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng và vàng nhẫn chỉ cao hơn thế giới khoảng 4,05 triệu đồng/lượng.

Ngân hàng Nhà nước đã khoảng 9,4 tỷ USD để ổn định tỷ giá

Trên thị trường tiền tệ sáng 29/12, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 24.322 đồng/USD.

Nhiều ngân hàng thương mại niêm yết giá đồng USD ở mức 25.208 - 25.538 đồng/USD mua - bán.

Tỷ giá USD vẫn "nóng" ngày cuối năm. Trong báo cáo vĩ mô nhìn lại diễn biến thị trường tiền tệ năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết tỷ giá USD/VND đã có một năm biến động tương đối mạnh với áp lực mất giá tiền đồng đặc biệt tăng cao trong quý II và quý IV.

So với đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm 1,9% lên mức 24.320 đồng/USD. Tỷ giá trên thị trường chính thức tăng khoảng 4,8% lên 25.430 đồng/USD, đồng thời, tỷ giá trên thị trường tự do tăng 4,3% lên 25.840 đồng/USD.

VDSC cho biết, để kiểm soát áp lực mất giá của tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp bán ngoại tệ vào những giai đoạn tỷ giá trên thị trường chạm trần biên độ.

Các đợt bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 4-7/2024 với quy mô khoảng 6,5 tỷ USD. Giai đoạn 2 diễn ra ít dồn dập hơn từ tháng 9-12/2024 với quy mô khoảng 2,8 tỷ USD. Tính chung cả năm 2024, Ngân hàng Nhà nước bán ra khoảng 9,4 tỷ USD.

Động thái tăng giá ‘hút’ vàng, USD phải can thiệp ảnh 2

Ngân hàng Nhà nước can thiệp để hạ "nhiệt" tỷ giá trong năm 2024.

VDSC ước tính dự trữ ngoại hối cuối năm 2024 khoảng 80 tỷ USD. Ngoài việc bán ngoại tệ để kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng tiến hành can thiệp trên thị trường mở thông qua việc kiểm soát hành lang lãi suất. Hoạt động hút ròng thường gia tăng trong những giai đoạn tỷ giá tăng cao như giai đoạn tháng 5-6/2024 hay tháng 10 và tháng 12/2024.

Tính chung cả năm nay, quy mô điều tiết thanh khoản trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước tương đối nhỏ, hút ròng khoảng 28 nghìn tỷ đồng, so với quy mô bơm ròng khoảng 66 nghìn tỷ đồng trong năm 2023.

Lãi suất điều hành được duy trì không đổi với lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn lần lượt là 3,0%/năm và 4,5%/năm. Lãi suất trên thị trường mở ở kênh mua kỳ hạn và phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước không tăng cao hơn mức lãi suất tái cấp vốn mà Ngân hàng Nhà nước quy định.

Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bình quân trên thị trường liên ngân hàng là 3,4%/năm, cao hơn khoảng 1,2% so với năm 2024. Khi lãi suất cho vay qua đêm tiền đồng giảm mạnh về dưới mức lãi suất tái chiết khấu, Ngân hàng Nhà nước thường phát hành tín phiếu để đẩy lãi suất tăng trở lại. Đây cũng là động thái nhằm kiểm soát chênh lệch lãi suất USD-VND, giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

MỚI - NÓNG